Cuộc sống cứ thế trôi, tôi một ngày khôn lớn song sức khỏe rất yếu và mang nhiều bệnh tật trong người, bản thân tôi mong muốn một ngày nào đó mình có một sức khỏe thật tốt để làm được nhiều việc có ý nghĩa giúp ích cho đời.
Lúc bé tôi rất thích võ thuật, nhưng với bản tính nhút nhát nên tôi không dám tham gia tập luyện các môn võ thuật ở các võ đường. Vì đam mê võ thuật nên tôi rất thích xem phim võ thuật, có một lần tình cờ tôi xem được bộ phim “Những tên cướp biển của thế kỷ 20” nhìn thấy thủy thủ người Nhật Bản sử dụng võ thuật hạ gục liên tục hơn năm đối thủ của mình bằng những đòn đá, đòn đấm, đòn chặt thật uy lực, dứt khoát và kỷ luật, tôi thật sự rất thích. Với những hiểu biết chưa sâu rộng về võ thuật nên lúc này tôi không biết đây là môn võ gì ? và nó xuất phát từ đâu ?
Năm 1984 tôi thi vào lớp 10 trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Trỗi và ở đây tôi đã thấy cứ mỗi chiều có một lớp tập võ mặc đồ trắng, số lượng hơn mươi người, cùng với một người Thầy tập luyện rất hăng say, qua tìm hiểu tôi mới biết đây là môn võ Karatedo, vì rất yêu thích môn võ này nên chiều nào tôi cũng đến xem, qua nhiều lần xem tập luyện và thi đấu, tôi mới nhận ra được, đây là môn võ của người Nhật Bản sử dụng, mà khi nhỏ tôi đã từng nhìn thấy qua phim ảnh. Lòng khát khao để được tập luyện, tôi đã quyết tâm xin ghi danh để được học, nhưng việc muốn được tập lớp võ thuật Karatedo tại trường Nguyễn Văn Trỗi lúc bấy giờ thực sự khó. Điều kiện để bạn được tập: Thứ nhất phải là học sinh của trường Nguyễn Văn Trỗi và là Đoàn viên thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Thứ hai: phải có học lực Trung bình khá trở lên và là học sinh có hạnh kiểm tốt. Vì chưa được kết nạp vào đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh nên tôi không đủ điều kiện để được học.
Năm 1987 sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, rời khỏi ghế nhà trường để bước vào cuộc sống mưu sinh, vì kinh tế gia đình khó khăn nên bản thân tôi phải tìm việc làm để phụ giúp cho Bố mẹ. Giai đoạn này phong trào tập luyện môn võ Karatedo trong thành phố Nha Trang cũng đã phát triển rộng khắp, có nhiều câu lạc bộ đã được hình thành như CLB Karatedo trường Nguyễn Văn Trỗi, CLB Karatedo Trung tâm TDTT thành phố Nha Trang, CLB Karatedo Nhà Văn Hóa Lao Động Tỉnh. Với sự đam mê từ rất lâu nên tôi đã quyết định ghi danh tập luyện tại CLB Karatedo Trung tâm TDTT thành phố Nha Trang. Ở đây tôi được các HLV tận tình hướng dẫn, bằng sự đam mê tập luyện, lòng quyết tâm phấn đấu tôi cố gắng thực hiện ước mơ của mình là trở thành một Võ sĩ Karatedo thực thụ.
Năm 1991 sau hơn 4 năm được sự tận tâm dạy dỗ của Thầy Nguyễn Tấn Kiệt cùng các Sư Huynh Phạm Hà Anh Vũ, Sư Huynh Nguyễn Khắc Hùng, Sư Huynh Phan Gia Uẩn, Sư Huynh Võ Quang Vinh, Sư Huynh Nguyễn Bá Trực, tôi đã vinh dự được Thầy chọn vào đội tuyển tham gia thi đấu giải vô địch Karatedo quốc gia lần đầu tiên tại Hà Nội.
Năm 1992 tôi vinh dự được tham dự kỳ thi lên đai đen, Thời gian này tôi được các sư huynh như Nguyễn Khắc Hùng, Phan Gia Uẩn tận tình hướng dẫn tập luyện, nên khóa lớp tôi thi đạt 100%. Tôi được Thầy Nguyễn Tấn Kiệt chính thức mang đai đen thủ khoa, tôi cảm thấy rất hạnh phúc, đây là điều mà bấy lâu tôi ước ao để có được. Niềm hân hoan trong lòng trào dâng khiến tôi ngày một đam mê tập luyện và cũng từ đây cuộc đời tôi bước qua một bước ngoặc mới.
Nhớ lại những ngày tôi cùng Thầy và các sư huynh tham gia thi đấu giải toàn quốc đầu tiên tại Thành phố Hà Nội, những ngày đó thật nhiều kỷ niệm. Thầy tôi lo lắng cho Anh em chúng tôi thật chu đáo, Thầy đã lo cho Anh em tôi như người Cha lo cho những người con của mình. Thời gian đó việc đi thi đấu khó khăn lắm, kinh phí rất hạn hẹp nhưng bằng tình thương yêu và đùm bọc của mình Thầy tôi đã luôn giành những điều tốt nhất để lo cho Anh em chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Những năm tháng đó khắc ghi trong tôi rất nhiếu kỷ niệm vể Thầy Nguyễn Tấn Kiệt cùng các Anh em sư huynh đệ như: Anh Võ Quang Vinh, anh Phan Gia Uẩn, anh Trực, anh Kiều Văn Dũng, anh Lê Anh Vũ, em Dương Đình Hòa, em Văn Đình Thanh, em Trần Thị Huyền Lương…
Năm tháng trôi qua với sự dạy dỗ và dìu dắt của Thầy, tôi đã có sự trưởng thành trong cuộc đời võ nghiệp của mình. Năm 1998 tôi được Thầy giới thiệu về làm Huấn luyện viên Karatedo tại Trung tấm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh Khánh Hòa, thời gian đầu khi nhận công việc, tôi lo lắm chỉ sợ mình không đảm nhận được và không hoàn thành được nhiệm vụ mà Thầy đã tin tưởng giao cho. Qua thời gian 02 năm huấn luyện đến năm 2000 tôi được Sở Giáo dục và Đào tạo giao trọng trách đưa đội Karatedo học sinh tham gia Hội Khỏe Phù Đổng toàn quốc cùng vời sư huynh Võ Quang Vinh. Gánh nặng về thành tích phải đạt được HCV tại Hội Khỏe Phù Đổng khiến Anh em chúng tôi lo lắng, nhưng việc đạt được chỉ tiêu thành tích nằm ngoài dự kiến của Anh em tôi. Đội đã đạt được HCV và nhiều thành tích khác. Bước sang những năm tiếp theo từ năm 2001 đến 2005 nhờ sự chuyên tâm đào tạo và sự tập luyện chuyên cần của các em VĐV, đội Karatedo Khánh Hòa đã mang về nhiều thành tích tốt cho Tỉnh nhà và lúc bấy giờ phong trào Karatedo trong toàn tỉnh phát triển khá mạnh và điểm nhấn quan trọng đã đến với Karatedo Khánh Hòa khi VĐV Nguyễn Thiều Minh Văn đạt được HCV tại giải trẻ Karatedo Châu Á tổ chức tại Singapore và trên đà phát triển này đội Karatedo Khánh Hòa ngày càng lớn mạnh, trong thời gian này Karatedo Khánh Hòa đã có nhiều gương mặt tập trung đội tuyển quốc gia như: môn sinh Lê Thái Sơn, Lê Anh Dũng, Nguyễn Thiều Minh văn, Trần Quốc Tiến. trong những năm tháng này Karatedo Khánh Hòa gặt hái được nhiều thành tích tốt khiến nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc thương yêu và kính trọng.
Năm 2008 sau khi tham dự giải Vô địch cúp các câu lạc bộ mạnh Karatedo toàn quốc tại Thanh Hóa, Karatedo Khánh Hòa đã đạt được thành tích khá tốt và được báo Khánh Hòa viết bài với tiêu đề “Karatedo Khánh Hòa Tài Đức thăng hoa” điều mà trong đời làm huấn luyện viên của tôi hơn 10 năm chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc như thế. Nhưng điều đó không làm tôi vui, cái mà khiến tôi hạnh phúc nhất là những lời khen ngợi và động viên của Thầy tôi sau mỗi giải đấu toàn quốc. Thầy Nguyễn Tấn Kiệt người đã vun đắp ước mơ cho tôi để tôi có thể nối tiếp nghiệp của Thầy, tôi nhớ mãi câu nói của Thầy về cái nhìn và nhận định về tôi trong những ngày đầu tập võ. Thầy bảo “Thầy đã nhìn thấy sự chuyên cần của em khi mang cặp đi bộ từ nhà đến Câu lạc bộ để tập và Thầy tin chắc rằng em sẽ thành công”. Câu nói của Thầy khiến tôi cảm thấy hạnh phúc vì Thầy đã lo lắng và quan tâm tôi khi mà tôi bắt đầu tập đi những bước đi đầu tiên vào con đường võ nghiệp. Thầy thật sự trở thành người Cha trong lòng tôi.
Từ năm 2009 đến nay Karatedo Khánh Hòa gặt hái được khá nhiều thành công, Đội tuyển liên tục có huy chương vàng ở các kỳ thi đấu giải trẻ và giải vô địch toàn quốc. Đặc biệt năm 2009 đạt được huy chương vàng ở Seagames 27 tại Lào của VĐV Trần Quốc Tiến. thành tích nối thành tích của Karatedo Khánh Hòa đã đưa đội Khánh Hòa đến một vị trí khác trên toàn quốc. Karatedo Khánh Hòa được biết đến như một hiện tượng lạ vì chỉ trong một thời gian ngắn đã gặt hái được khá nhiều thành công khiến các đơn vị bạn phải thán phục.
Nhìn lại chặn đường 27 năm tập luyện của bản thân tôi là quảng đường dài 30 năm của Karatedo Khánh Hòa, tôi đã tự nhủ lòng, còn gì hơn nữa khi tôi đã làm được điều mà mình hằng mơ ước. Chắc có lẽ Thầy tôi cũng rất vui vì đây là sự trưởng thành và thành công của người học trò mà Thầy đã vun vén, với tôi như thế là một thành công lớn trong sự nghiệp của mình, Karatedo là con đường đã đưa tôi đến cuộc sống hạnh phúc gia đình ngày hôm nay, đó là sự thành công mà Thầy tôi đã mang lại cho tôi, tôi luôn nhớ mãi lời dạy của Thầy; Thầy tôi bảo rằng là một người luyện võ thì phải chú trọng đến võ đức vì “Võ Đức” là phẩm chất cao quý của người học võ, dạy võ, là hành trang không thể thiếu của người dụng võ. Tập võ thì được cường thân, mẫn trí, đường lối của võ thuật trước tiên phải trọng võ đức, muốn có võ đức phải hiểu rõ công lý, muốn hiểu rõ công lý thì phải có học vấn. Thầy luôn động viên tôi phải cố gắng học tập văn hóa và phải không ngừng tập luyện võ thuật mà Thầy đã truyền đạt để nâng cao nội lực. Với lời dạy này của Thầy tôi đã không ngừng chuyên tâm học tập và phấn đấu để sao không phụ những gì mà Thầy đã dốc tâm gửi gấm ở trong tôi.
Qua 27 năm tập luyện dưới sự dạy dỗ của Thầy tôi mới nhận thức được rằng võ thuật Karatedo đã làm cho người học biết nuôi dưỡng nhân tính, rèn luyện nhân cách, tu dưỡng đạo đức tâm người, việc rèn luyện võ thuật Karatedo là một cuộc trường chinh để tự thắng mình, trên tinh thần giản dị, khiêm tốn, điềm đạm, đạt đến Chân thiện mỹ trong cuộc sống. Những điều Thầy truyền đạt luôn khắc ghi trong tôi, nó luôn là một thứ hành trang quý báu mà người dạy võ như tôi phải mang theo suốt cuộc đời.
“Dẫu mai bạc trắng mái đầu.
Tim này khắc mãi đậm câu ơn Thầy”.
Từ khi đến với Karatedo tôi đã có được rất nhiều thứ, đặc biệt và quan trọng hơn hết là tập thể Anh em Hội Karatedo Khánh Hòa, chúng tôi luôn gắn kết với nhau, tuy rằng không cùng cha mẹ sinh ra nhưng tôi cảm nhận được rằng tình nghĩa Anh em trong Hội rất sâu nặng. Cảm ơn Thầy đã cho tôi điều này, Cảm ơn tất cả Anh em trong Hội Karatedo Khánh Hòa những người đồng hành với tôi trong thời gian 27 năm qua. một chặn đường của nữa đời người, không ngắn, không dài đã cùng tôi đưa Karatedo Khánh Hòa đi đến vinh quang.
Hôm nay khi cầm bút viết lại những cảm nghĩ của mình về chặn đường 30 năm Karatedo Khánh Hòa, lúc này Thầy tôi đang định cư tại một nơi xa, xa lắm.... Trước lúc đi xa Thầy đã tặng các môn đồ Karatedo Khánh Hòa hai câu đối:
“Bản lĩnh tài năng làm nên nghiệp.
Nhân hòa đức độ tạo thành công.”
Hai câu đối này sẽ khắc ghi sâu vào tâm trí tập thể Karatedo Khánh Hòa, mỗi cá nhân sẽ không ngừng phấn đấu để thành đạt, từ đó cùng nhau đoàn kết xây dựng một Hội Karatedo Khánh Hòa ngày càng lớn mạnh hơn.
Godan Phạm Ngọc Thương